Tại tỉnh Sóc Trăng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng tiếp tục được khẳng định là một thế mạnh, song quá trình nuôi, việc sử dụng quạt nước để tạo ô xy tiêu tốn nhiều điện năng. Theo Công ty Điện lực Sóc Trăng, riêng năm 2017, sản lượng điện tiêu thụ trong nuôi tôm của tỉnh đạt mức 245 triệu kWh, chiếm hơn 20% tổng sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn. Do vậy, việc sử dụng gối đỡ con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U để giảm chi phí điện năng đã, đang được EVN SPC vận dụng.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, qua khảo sát thực tế tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hộ nuôi tôm đang sử dụng công nghệ quạt nước kiểu truyền thống (sử dụng ma sát trượt) chiếm đến hơn 60%. Tổn thất điện năng và hao phí năng lượng lớn từ việc vận hành các hệ thống quạt lá tạo ô xy cho tôm tác động tiêu cực đến mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để giúp hộ nuôi tôm tiết kiệm chi phí đầu tư; tiết kiệm điện sử dụng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, EVN SPC đã nghiên cứu thiết kế cải tiến một phần hệ thống dàn quạt tạo ô xy nuôi tôm nhằm tăng hiệu suất sử dụng cho dàn quạt...
Theo ông Đức, việc thay đổi, cải tiến được tiến hành từ dàn quạt bằng cách đưa động cơ điện và hộp số xuống ao và đặt trên hệ thống phao, thay đổi cách đặt động cơ có trục truyền động chưa đồng trục với trục quay hệ thống quạt nước sang cách đặt đồng trục với trục quay của hệ thống quạt nước. Đồng thời, chuyển đổi từ sử dụng ổ trục ma sát trượt (chữ U) sang sử dụng ổ trục ma sát lăn (gối đỡ con lăn) đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong tiết kiệm điện.
Trong giai đoạn 2016-2017, EVN SPC đã tuyên truyền, vận động được 161 hộ nông dân tại Sóc Trăng tham gia chương trình mô hình hỗ trợ tiết kiệm điện; tiền điện tiết kiệm hằng năm của 161 hộ này là gần 2,5 tỷ đồng. Trong năm 2017, sau khi triển khai chương trình, EVN SPC đã hỗ trợ 889 hộ nuôi tôm ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu được 543,67ha với 26.378 gối đỡ con lăn (loại đỡ và loại treo). Tổng chi phí hỗ trợ 1,4 tỷ đồng.
Còn với mô hình ESCO, từ năm 2015 đến nay, EVN SPC đã thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành 6 công trình tại Thủy sản Caseamex, Thủy sản miền Nam, khách sạn Ninh Kiều - TP Cần Thơ; Khách sạn Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long); Khách sạn Phoenix (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... góp phần tiết giảm được 795.618kWh cho hệ thống điện và giúp khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Năm 2018, EVN SPC đã ban hành Chương trình số 602/CTr-EVN SPC ngày 22-1-2018 về tiết kiệm điện. Theo đó, trong năm 2018, EVN SPC phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về tiết kiệm 1,5% điện năng so với sản lượng điện thương phẩm và hoàn thành các chương trình tiết kiệm điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong toàn khu vực quản lý kinh doanh điện của EVN SPC; gắn kết truyền thông sử dụng điện an toàn, tiết kiệm với nâng cao công tác dịch vụ khách hàng.
Cụ thể, tại một số chương trình tiết kiệm điện đặc thù, EVN SPC sẽ thực hiện hỗ trợ tiết kiệm điện cho các đảo chưa nối lưới điện quốc gia; trồng hoa cúc, tưới tiêu tại Lâm Đồng; nuôi trồng thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu long; hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho khách hàng phụ tải công nghiệp. Triển khai các dự án đầu tư năng lượng mặt trời tại nhà điều hành các đơn vị trực thuộc và trạm 110kV thuộc EVN SPC quản lý theo chỉ đạo của EVN.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn